« Quay lại

Chế biến sâu cao lanh làm nguyên liệu sản xuất gốm sứ và sơn

Cao lanh là một khoáng sản quan trọng, được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp gốm sứ, giấy, cao su, chất dẻo, vật liệu xây dựng, hóa chất, sơn. Việt Nam là một trong các quốc gia có trữ lượng cao lanh đáng kể với đặc trưng phân bố thành các mỏ nhỏ khắp các địa phương từ Bắc vào Nam. 

Tuy nhiên, chất lượng cao lanh của Việt Nam không cao do chứa nhiều sắt và titan. Sắt và titan tồn tại trong cao lanh làm giảm độ trắng, từ đó hạn chế khả năng ứng dụng của cao lanh trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành sản xuất sứ vệ sinh, sứ dân dụng cao cấp, hay sản xuất sơn.



Hiện nay ở Việt Nam chưa có công nghệ chế biến sâu cao lanh nói chung và công nghệ chế biến sâu cao lanh để làm nguyên liệu để sản xuất gốm sứ cao cấp và sơn nói riêng. Công nghệ chế biến cao lanh ở các doanh nghiệp khai thác và chế biến cao lanh hiện còn lạc hậu, chỉ dừng ở chế biến sơ bộ: Cao lanh nguyên khai được khai thác từ các mỏ được đánh tơi, phân cấp cỡ hạt bằng hệ thống các sàng, cyclon, lắng, lọc tách nước để thu các sản phẩm cao lanh thô bán ra thị trường, gây lãng phí lớn về tài nguyên.


Theo ông Chu Văn Giáp, Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu Sành sứ Thủy tinh Công nghiệp Hà Nội - Chủ nhiệm dự án, dự án này sẽ ứng dụng các phương pháp tiên tiến có hiệu suất cao, thân thiện với môi trường nhằm tách bỏ các tạp chất gây mầu có chứa sắt và titan bằng việc kết hợp sử dụng các phương pháp vật lý (tuyển từ) với các phương pháp hóa học để có được sản phẩm tốt nhất.


Ông Giáp cho biết, tùy thuộc vào yêu cầu sử dụng của các ngành, sản xuất sứ vệ sinh, sản xuất gạch ốp lát, sản xuất sứ dân dụng cao cấp, sản xuất sơn, cao lanh sẽ được phân loại cụ thể theo yêu cầu của từng ngành nhằm tăng hiệu suất thu hồi và giá trị sử dụng các sản phẩm cao lanh.


Được biết Dự án này nằm trong Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia phục vụ đổi mới, hiện đại hóa công nghệ khai thác và chế biến khoáng sản đến năm 2025 - thực hiện Đề án “Đổi mới và hiện đại hoá công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025”. 


Dự án này sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2018, với tổng vốn đầu tư là hơn 37 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn tài trợ từ ngân sách chỉ chiếm khoảng 18,1%, tương đương với 6,7 tỷ đồng. Vốn huy động xã hội chiếm khoảng 81,9%, lên tới 30,3 tỷ đồng.


Dự án sản xuất thử nghiệm sẽ được thực hiện tại mỏ của Công ty cổ phần Trung Thành tại xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm và xã Lộc Châu, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Sau khi hoàn thiện công nghệ theo dự án, Công ty Cổ phần Trung Thành sẽ là đơn vị ứng dụng kết quả.


Ngọc Lý

Tin nổi bật